Trợ giúp pháp lý cho người cao tuổi: Đồng hành cùng người cao tuổi vượt qua khó khăn

Đảm bảo quyền trợ giúp pháp lý cho người cao tuổi là một trong những mục tiêu quan trọng của Nhà nước Việt Nam. (Ảnh minh họa - Nguồn: Cục TGPL - Bộ Tư pháp)

Đảm bảo quyền trợ giúp pháp lý cho người cao tuổi là một trong những mục tiêu quan trọng của Nhà nước Việt Nam. (Ảnh minh họa - Nguồn: Cục TGPL - Bộ Tư pháp)

Đảm bảo quyền trợ giúp pháp lý cho người cao tuổi là một trong những mục tiêu quan trọng theo Quyết định số 2156/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2021 - 2030. Thực hiện nhiệm vụ này, Bộ, ngành Tư pháp mà trực tiếp là các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý (Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước và các tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý) đã tích cực triển khai, đem lại nhiều kết quả tích cực, góp phần đồng hành với người cao tuổi gặp khó khăn cho cuộc sống.

Quyền được trợ giúp pháp lý cho người cao tuổi

Theo quy định của Luật Người cao tuổi (NCT), NCT có các quyền như được bảo đảm các nhu cầu cơ bản về ăn, mặc, ở, đi lại, chăm sóc sức khỏe; quyết định sống chung với con, cháu hoặc sống riêng theo ý muốn; được ưu tiên khi sử dụng các dịch vụ theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan… và các quyền khác theo quy định của pháp luật.

Trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý (TGPL), quyền được trợ giúp cho NCT đã được ghi nhận theo từng giai đoạn. Gần đây nhất là Luật TGPL (sửa đổi), có hiệu lực từ ngày 1/1/2018. Theo quy định tại Điều 7 Luật TGPL 2017 thì “NCT có khó khăn về tài chính” thuộc diện người được TGPL (Điều 7 Luật TGPL). Nghị định số 144/2017/NĐ-CP ngày 15/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật TGPL năm 2017 thì điều kiện khó khăn về tài chính của người được TGPL là người thuộc hộ cận nghèo hoặc là người đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo quy định của pháp luật.

Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, đến năm 2036 nhóm dân số từ 65 tuổi trở lên sẽ chiếm khoảng 14,17% tổng dân số. Khi ấy Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn dân số già. Tỷ lệ và số lượng NCT Việt Nam sẽ tăng lên nhanh chóng trong những năm tới. Do vậy, có thể dự đoán được số lượng NCT thuộc diện được TGPL sẽ gia tăng.

Ngày 21/12/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2156/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về NCT giai đoạn 2021 - 2030, trong đó có quy định đảm bảo quyền TGPL cho NCT. Nhằm triển khai hiệu quả Chương trình hành động quốc gia về NCT giai đoạn 2021 - 2030, Bộ Tư pháp đã có Quyết định số 1334/QĐ-BTP ngày 10/6/2022 ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện chính sách TGPL cho NCT, NCT có khó khăn về tài chính giai đoạn 2022 - 2030. Trên cơ sở đó, tính đến nay hầu hết các địa phương đều đã ban hành văn bản triển khai thực hiện chính sách TGPL cho NCT, NCT có khó khăn về tài chính giai đoạn 2022 - 2030 và tiến hành TGPL nhiều vụ việc cho NCT.

 

Chẳng hạn, trong vụ án ông Ka Tơr Tơ (SN 1961, cư trú tại xã Ma Nới, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận) phạm tội cố ý gây thương tích do hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra. Bị hại là cháu K, trong một lần nhậu cùng với bạn bè đến khuya khi chạy xe nẹt pô xung quanh thôn xóm, bị ông Tơ nhắc nhở hai lần nhưng bị hại không những không nghe mà còn chửi thề. Quá bức xúc với hành vi coi thường người lớn tuổi nên ông Tơ dùng ná cao su tự chế bắn viên bi về phía bị hại, gây thương tích 33%.

Được lãnh đạo Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Ninh Thuận phân công, Trợ giúp viên pháp lý Đinh Thị Nhi đã đến Cơ quan điều tra Công an huyện Ninh Sơn; đến nhà của ông Tơ để tìm hiểu vụ án và và lý do tại sao lại xảy ra sự việc, đồng thời tư vấn cho vợ chồng ông Tơ cố gắng vay mượn tiền của anh chị em bà con trong dòng họ để bồi thường thiệt hại theo đúng như yêu cầu của bị hại; trực tiếp qua nhà bị hại để thăm hỏi xin lỗi, mong bị hại tha thứ để họ xin giảm án.

Tại phiên tòa sơ thẩm, trợ giúp viên pháp lý đồng ý với tội danh mà Viện Kiểm sát truy tố bị cáo, đồng ý với quan điểm cho bị cáo hưởng án treo theo đề nghị của Viện Kiểm sát vì bị cáo có ba tình tiết giảm nhẹ: mẹ bị cáo là người có công với cách mạng; bị cáo có nhân thân tốt, chưa có tiền án, tiền sự, là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam từ năm 1997, bị cáo là NCT, hoàn cảnh kinh tế gia đình còn rất nhiều khó khăn, là bảo vệ cho Trường Tiểu học Tà Nôi để nuôi hai đứa cháu mồ côi cha mẹ, hơn nữa bản thân bị cáo có nhiều bệnh trong người, thường xuyên phải uống thuốc nên sức khỏe có lúc không được đảm bảo; trong quá trình lao động, công tác tại địa phương, bị cáo có nhiều thành tích xuất sắc, được tặng thưởng nhiều giấy khen…

Quá trình điều tra, truy tố, bị hại đã yêu cầu bồi thường hơn 6 triệu đồng tiền chữa trị thương tích, bị cáo đã bồi thường xong. Tuy nhiên, tại phiên tòa sơ thẩm, bị hại và đại diện hợp pháp của bị hại yêu cầu bồi thường thêm 50 triệu đồng… Với diễn biến này, bản án sơ thẩm vẫn tuyên ông Tơ bị tù giam.

Bởi thế, trợ giúp viên pháp lý cho rằng cần sửa bản án theo hướng cho bị cáo được hưởng án treo, Viện Kiểm sát có kháng nghị cho bị cáo hưởng án treo. Trong thời gian TAND tỉnh Ninh Thuận chuẩn bị xét xử phúc thẩm, Trợ giúp viên pháp lý đã hướng dẫn ông Tơ mượn tiền để bồi thường 50 triệu đồng cho bị hại; tiến hành xác minh thu thập những tình tiết có lợi cho ông Tơ… để cố gắng dùng mọi cách để bảo chữa cho ông Tơ theo hướng có lợi nhất để ông Tơ không bị tù giam vì hiện nay ông đã cao tuổi, sức khỏe rất yếu. Cuối cùng, sự cố gắng của Trợ giúp viên Đinh Thị Nhi đã có kết quả: ông Tơ bị kết án 2 năm tù về tội Cố ý gây thương tích nhưng được hưởng án treo theo bản án phúc thẩm.

 

Tập trung thực hiện vụ việc trợ giúp bằng hình thức tham gia tố tụng

Ông Ka Tơr Tơ. (Ảnh chụp màn hình trong một phóng sự phát trên VTV2)

Ông Ka Tơr Tơ. (Ảnh chụp màn hình trong một phóng sự phát trên VTV2)

Có thể nói, việc triển khai chính sách pháp luật về TGPL nói chung, đặc biệt là TGPL cho NCT, NCT có khó khăn về tài chính có những thuận lợi nhất định như luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ Tư pháp, từ đó công tác TGPL nói chung, công tác TGPL cho NCT thuộc diện được TGPL nói riêng đảm bảo sự thống nhất, kịp thời và thu được nhiều kết quả tích cực. Cùng với đó, công tác bảo vệ, chăm sóc, phát huy vai trò NCT luôn nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương nên hoạt động TGPL cho NCT, NCT có khó khăn về tài chính ngày càng được quan tâm, tạo điều kiện để NCT tiếp cận dịch vụ TGPL miễn phí của Nhà nước.

Ngoài ra, công tác phối hợp giữa các tổ chức thực hiện TGPL và các cơ quan tiến hành tố tụng, các cấp Hội NCT tiếp tục được tăng cường và phát huy hiệu quả, nhất là trong giới thiệu, thông tin, truyền thông và hướng dẫn NCT thực hiện quyền được TGPL. Không những thế, kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ TGPL của người thực hiện TGPL đặc biệt là đội ngũ trợ giúp viên pháp lý ngày càng được cải thiện và nâng cao, từ đó góp phần không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ TGPL cho người được TGPL nói chung và NCT, NCT có khó khăn về tài chính nói riêng.

Tuy nhiên, mặc dù có sự quan tâm, phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành, song một số cấp Hội NCT chưa thật sự chủ động đổi mới phương thức hoạt động, đề xuất, kiến nghị các biện pháp, chính sách hỗ trợ cho hoạt động TGPL của hội viên nên chưa phát huy tối đa vai trò là cầu nối giữa các tổ chức thực hiện TGPL với NCT thuộc đối tượng được TGPL. Công tác truyền thông TGPL cho người dân nói chung và NCT ở các địa phương chưa được đồng đều, một số địa phương vẫn còn trường hợp người dân, đặc biệt là NCT chưa biết đến quyền được TGPL miễn phí khi có vướng mắc pháp luật. Trong một số trường hợp, việc thực hiện TGPL cho NCT, NCT có khó khăn về tài chính, nhất là NCT là nạn nhân của hành vi bạo lực, bạo hành còn gặp nhiều khó khăn do người thực hiện TGPL chưa có nhiều kinh nghiệm, kỹ năng chuyên sâu về TGPL trong lĩnh vực này.

 

Nhằm phát huy những kết quả tích cực và khắc phục những khó khăn, hạn chế trên, thời gian tới, công tác TGPL cho NCT sẽ tiếp tục tổ chức thực hiện tốt Chương trình hành động quốc gia về NCT giai đoạn 2021 - 2030 theo Quyết định số 2156/QĐ-TTg; Quyết định số 1334/QĐ-BTP. Tập trung thực hiện vụ việc TGPL nhất là vụ việc TGPL bằng hình thức tham gia tố tụng cho người được TGPL, trong đó có NCT, NCT có khó khăn về tài chính đặc biệt trong các vụ việc NCT bị bạo lực, bạo hành, bị ngược đãi. Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả vụ việc TGPL đối với NCT, NCT có khó khăn về tài chính; nâng cao hiệu quả của công tác truyền thông về quyền được TGPL đối với NCT, NCT có khó khăn về tài chính giúp họ tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ pháp lý miễn phí theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, tăng cường đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, nhất là các cơ quan tiến hành tố tụng, các Hội của NCT trong truyền thông và hướng dẫn NCT thực hiện quyền được TGPL cũng như trong thực hiện vụ việc TGPL nhằm bảo vệ tốt nhất các quyền và lợi ích hợp pháp của NCT, NCT có khó khăn về tài chính. Tổ chức các lớp tập huấn nhằm nâng cao năng lực, kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp cho người thực hiện TGPL khi thực hiện TGPL cho những đối tượng đặc thù trong đó có NCT, NCT có khó khăn về tài chính. Hướng dẫn, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho địa phương trong quá trình triển khai thực hiện TGPL cho NCT, NCT có khó khăn về tài chính.

Theo số liệu báo cáo kỳ báo cáo 6 tháng năm 2024, các tổ chức thực hiện TGPL trong cả nước đã thực hiện được 545 vụ việc TGPL trong các lĩnh vực hình sự, dân sự, hành chính cho NCT, NCT có khó khăn về tài chính, trong đó phân loại theo hình thức TGPL gồm: tham gia tố tụng 241 vụ việc, tư vấn pháp luật 292 vụ việc, đại diện ngoài tố tụng 12 vụ việc. Các vụ việc được thực hiện đều bảo đảm chất lượng, nhiều vụ việc quan điểm bào chữa, bảo vệ của người thực hiện TGPL được các cơ quan tiến hành tố tụng chấp nhận và đánh giá cao, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người được TGPL, trong đó có NCT, NCT có khó khăn về tài chính.

2024 Copyright © Công Ty Luật TNHH MTV Giang Nam 3V . All rights reserved. Design by i-web.vn