Câu hỏi:
Công ty tôi là công ty cổ phần thiết kế thời trang, hiện nay để đẩy mạnh cũng như tạo ra nhiều mẫu thiết kế mới lạ, đẹp mắt cho người tiêu dùng. Chúng tôi muốn mời thêm một chuyên gia thiết kế nước ngoài về làm cho công ty. Vậy Luật sư Phạm Quốc Vượng cho tôi hỏi thủ tục để xin cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài gồm những giấy tờ gì và nộp ở đâu? Tôi xin cảm ơn!
Trả lời:
Về câu hỏi: “Thủ tục xin cấp giấy phép lao động cần những giấy tờ gì?” chúng tôi xin tư vấn như sau:
Thứ nhất, điều kiện lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam:
Người lao động là công dân nước ngoài vào Việt Nam phải đáp ứng các điều kiện mà pháp luật quy định. Theo Điều 169 Bộ luật lao động 2012 về điều kiện của lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam:
“1. Lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam phải có đủ các điều kiện sau đây:
a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
b) Có trình độ chuyên môn, tay nghề và sức khỏe phù hợp với yêu cầu công việc;
c) Không phải là người phạm tội hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật nước ngoài;
d) Có giấy phép lao động do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp, trừ các trường hợp theo quy định tại Điều 172 của Bộ luật này.
2. Lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam phải tuân theo pháp luật lao động Việt Nam, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác và được pháp luật Việt Nam bảo vệ”.
Khi người nước ngoài vào Việt Nam làm việc thì bắt buộc phải có Giấy phép lao động trừ các đối tượng thuộc diện không cần Giấy phép lao động. Bởi khi làm các thủ tục liên quan đến xuất cảnh, nhập cảnh thì người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam phải xuất trình giấy phép lao động. Trường hợp không có sẽ bị trục xuất ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.
Thứ hai, thủ tục xin cấp giấy phép lao động:
Theo quy định mới nhất hiện nay Điều 10 Nghị định 11/2016/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/04/2016 quy định về hồ sơ xin cấp giấy phép lao động bao gồm:
“1. Văn bản đề nghị cấp giấy phép lao động của người sử dụng lao động theo quy định của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
2. Giấy chứng nhận sức khỏe hoặc giấy khám sức khỏe do cơ quan, tổ chức y tế có thẩm quyền của nước ngoài hoặc của Việt Nam cấp có giá trị trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày ký kết luận sức khỏe đến ngày nộp hồ sơ.
3. Phiếu lý lịch tư pháp hoặc văn bản xác nhận người lao động nước ngoài không phải là người phạm tội hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự của nước ngoài cấp. Trường hợp người lao động nước ngoài đã cư trú tại Việt Nam thì chỉ cần phiếu lý lịch tư pháp do Việt Nam cấp.
Phiếu lý lịch tư pháp hoặc văn bản xác nhận người lao động nước ngoài không phải là người phạm tội hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự được cấp không quá 06 tháng, kể từ ngày cấp đến ngày nộp hồ sơ.
4. Văn bản chứng minh là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia hoặc lao động kỹ thuật
Đối với một số nghề, công việc, văn bản chứng minh trình độ chuyên môn, kỹ thuật của người lao động nước ngoài được thay thế bằng một trong các giấy tờ sau đây:
a) Giấy công nhận là nghệ nhân đối với những ngành nghề truyền thống do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp;
b) Văn bản chứng minh kinh nghiệm của cầu thủ bóng đá nước ngoài;
c) Bằng lái máy bay vận tải hàng không do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp đối với phi công nước ngoài;
d) Giấy phép bảo dưỡng tàu bay do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp đối với người lao động nước ngoài làm công việc bảo dưỡng tàu bay.
5. 02 ảnh mầu (kích thước 4cm x 6cm, phông nền trắng, mặt nhìn thẳng, đầu để trần, không đeo kính màu), ảnh chụp không quá 06 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ.
6. Bản sao có chứng thực hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế còn giá trị theo quy định của pháp luật.
7. Các giấy tờ liên quan đến người lao động nước ngoài
a) Đối với người lao động nước ngoài theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 2 Nghị định này phải có văn bản của doanh nghiệp nước ngoài cử sang làm việc tại hiện diện thương mại của doanh nghiệp nước ngoài đó trên lãnh thổ Việt Nam và văn bản chứng minh người lao động nước ngoài đã được doanh nghiệp nước ngoài đó tuyển dụng trước khi làm việc tại Việt Nam ít nhất 12 tháng;
b) Đối với người lao động nước ngoài theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 2 Nghị định này phải có hợp đồng hoặc thỏa thuận ký kết giữa đối tác phía Việt Nam và phía nước ngoài, trong đó phải có thỏa thuận về việc người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam;
c) Đối với người lao động nước ngoài theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 2 Nghị định này phải có hợp đồng cung cấp dịch vụ ký kết giữa đối tác phía Việt Nam và phía nước ngoài và văn bản chứng minh người lao động nước ngoài đã làm việc cho doanh nghiệp nước ngoài không có hiện diện thương mại tại Việt Nam được ít nhất 02 năm;
d) Đối với người lao động nước ngoài theo quy định tại Điểm đ Khoản 1 Điều 2 Nghị định này phải có văn bản của nhà cung cấp dịch vụ cử người lao động nước ngoài vào Việt Nam để đàm phán cung cấp dịch vụ;
đ) Đối với người lao động nước ngoài theo quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều 2 Nghị định này phải có giấy chứng nhận của tổ chức phi chính phủ nước ngoài, tổ chức quốc tế được phép hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam;
e) Đối với người lao động nước ngoài theo quy định tại Điểm h Khoản 1 Điều 2 Nghị định này phải có văn bản của nhà cung cấp dịch vụ cử người lao động nước ngoài vào Việt Nam để thành lập hiện diện thương mại của nhà cung cấp dịch vụ đó”;
Cụ thể trong trường hợp người lao động nước ngoài vào làm việc tại công ty bạn cần chuẩn bị các giấy tờ sau:
+ Văn bản đề nghị cấp giấy phép lao động của công ty theo mẫu quy định
+ Giấy chứng nhận sức khỏe của người lao động nước ngoài;
+ Phiếu lý lịch tư pháp;
+ Bằng cấp chứng minh là nhà thiết kế thời trang;
+ 2 ảnh mầu 4×6
+ Bản sao Hộ chiếu có chứng thực;
+ Hợp đồng lao động.
Công ty bạn chuẩn bị hồ sơ và nộp đến Sở lao động Thương binh và xã hội.
Thứ ba, trình tự cấp giấy phép lao động:
– Trước ít nhất 15 ngày làm việc, kể từ ngày người lao động nước ngoài dự kiến bắt đầu làm việc cho người sử dụng lao động thì công ty bạn phải nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động cho Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi người lao động nước ngoài dự kiến làm việc.
– Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài theo mẫu do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định. Trường hợp không cấp giấy phép lao động thì có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
Trường hợp người lao động nước ngoài sang công ty bạn làm việc theo hợp đồng thì sau khi người lao động nước ngoài được cấp giấy phép lao động thì công ty bạn và người lao động nước ngoài phải ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản theo quy định của pháp luật lao động Việt Nam trước ngày dự kiến làm việc cho người sử dụng lao động.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ký kết hợp đồng lao động, công ty phải gửi bản sao hợp đồng lao động đã ký kết tới Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã cấp giấy phép lao động đó.
Thời hạn của giấy phép lao động tối đa là 02 năm.
Trong trường hợp cần tư vấn thêm, khách hàng có thể liên hệ với Luật sư Phạm Quốc Vượng để được tư vấn:
Thông tin liên hệ:
---------------------------------
CÔNG TY TNHH BẢO MẬT, VỆ SĨ GIANG NAM
Trụ Sở: 214 Nguyễn Huệ, Kp3, TT.Tràng Bom, H.Trảng Bom, Đồng Nai
MST: 3603870104
Điện thoại: 0901.548.385
Emai: nqp25102016@gmail.com
Website: https://luatsugiangnam.vn/
2024 Copyright © Công Ty Luật TNHH MTV Giang Nam 3V . All rights reserved. Design by i-web.vn