Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện Kiểm Sát trong việc giải quyết các vụ viện dân sự.

Căn cứ BLTTDS năm 2015, Luật tổ chức VKSND và Quy chế công tác kiểm sát dân sự, khi kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc giải quyết các vụ việc dân sự Viện kiểm sát nhân dân có các nhiệm vụ, quyền hạn sau:

Khi kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc giải quyết các vụ việc dân sự, VKSND có các nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

1. Kiểm sát việc trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu;

2. Kiểm sát việc thụ lý vụ việc dân sự;

3. Kiểm sát việc Tòa án xác minh, thu thập tài liệu chứng cứ; yêu cầu Tòa án xác minh thu thập tài liệu, chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự hoặc tự mình xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ để bảo đảm cho việc thực hiện quyền kháng nghị;

4. Kiểm sát việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ hoặc không áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án;

5. Kiểm sát kết quả phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải;

6. Nghiên cứu hồ sơ vụ việc;

7. Tham gia phiên tòa, phiên họp; kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, thư ký phiên tòa, phiên họp, người tham gia tố tụng tại phiên tòa, phiên họp; phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về việc giải quyết vụ việc tại phiên tòa, phiên họp;

8. Kiểm sát bản án, quyết định của Tòa án;

9. Yêu cầu Tòa án cùng cấp hoặc cấp dưới chuyển hồ sơ vụ việc dân sự để xem xét, quyết định việc kháng nghị;

10. Kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định của Tòa án theo quy định của pháp luật;

11. Yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự hoãn thi hành bản án, quyết định của Tòa án để xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm; quyết định tạm đình chỉ thi hành bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án khi thực hiện thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm;

12. Tiếp nhận, giải quyết đơn đề nghị, thông báo, kiến nghị xem xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm, thủ tục đặc biệt;

13. Kiến nghị xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân (HĐTP TAND) tối cao theo thủ tục đặc biệt;

14. Kiến nghị, yêu cầu Tòa án, cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động tố tụng theo quy định của pháp luật; kiến nghị Tòa án khắc phục vi phạm trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự; yêu cầu, kiến nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xử lý nghiêm minh người tham gia tố tụng vi phạm pháp luật; kiến nghị cơ quan, tổ chức hữu quan khắc phục và áp dụng các biện pháp phòng ngừa vi phạm pháp luật trong quản lý nhà nước và thực hiện các quyền yêu cầu, kiến nghị khác theo quy định của pháp luật;

15. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác trong kiểm sát việc giải quyết vụ việc dân sự theo quy định của pháp luật.

Cụ thể:

 

1. Kiểm sát việc trả lại đơn khởi kiện

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 192 BLTTDS, khi trả lại đơn khởi kiện và các tài liệu, chứng cứ kèm theo cho người khởi kiện, Thẩm phán phải có văn bản ghi rõ lí do trả lại đơn khởi kiện, đồng thời gửi cho VKS cùng cấp. Điều 194 BLTTDS cũng quy định trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản trả lại đơn khởi kiện của Tòa án, VKS cùng cấp có quyền kiến nghị với Chánh án Tòa án đã trả lại đơn khởi kiện. Ngay sau khi nhận được khiếu nại, kiến nghị về việc trả lại đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phải phân công một Thẩm phán khác xem xét, giải quyết khiếu nại, kiến nghị.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải mở phiên họp xem xét, giải quyết khiếu nại, kiến nghị. Phiên họp xem xét, giải quyết khiếu nại, kiến nghị có sự tham gia của đại diện Viện kiểm sát cùng cấp và đương sự có khiếu nại; trường hợp đương sự vắng mặt thì Thẩm phán vẫn tiến hành phiên họp, Viện kiểm sát có quyền kiến nghị với Chánh án Tòa án cấp trên trực tiếp xem xét, giải quyết. Trong thời hạn mười ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kiến nghị, Chánh án Tòa án cấp trên phải ra quyết định giải quyết. Quyết định của Chánh án Tòa án cấp trên trực tiếp là quyết định cuối cùng.

Sau khi nhận được thông báo thụ lý vụ án hoặc văn bản trả lại đơn khởi kiện của Tòa án, Kiểm sát viên phải vào sổ thụ lý theo dõi, kiểm tra văn bản thông báo thụ lý theo những nội dung được quy định tại Điều 196 BLTTDS; lập phiếu kiểm sát theo dõi vi phạm để tổng hợp kiến nghị với Toà án các vi phạm về thời hạn gửi thông báo, nội dung, hình thức thông báo; theo dõi quyết định chuyển vụ án của Toà án và xem xét kiến nghị với Chánh án Tòa án về việc trả lại đơn khởi kiện theo quy định tại Điều 194 BLTTDS.

Trường hợp Toà án không gửi, chậm gửi thông báo thụ lý hoặc văn bản trả lại đơn khởi kiện vụ việc dân sự cho Viện kiểm sát hoặc nội dung, hình thức thông báo không đúng quyđịnh của pháp luật thì Viện kiểm sát có quyền yêu cầu hoặc kiến nghị với Tòa án khắc phục vi phạm.

 

2. Kiểm sát việc thông báo thụ lý vụ việc dân sự của Tòa án

Theo quy định tại Điều 196 BLTTDS trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý vụ việc dân sự, Thẩm phán phải thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp về việc Tòa án đã thụ lý vụ việc dân sự. Văn bản thông báo phải có đầy đủ các nội dung chính quy định tại Khoản 2 Điều 196 BLTTDS.

Sau khi thụ lý vụ việc dân sự, nếu xét thấy vụ việc dân sự đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình, thì Tòa án đã thụ lý vụ việc dân sự ra quyết định chuyển hồ sơ vụ việc cho Toà án có thẩm quyền theo quy định tại Khoản 1 Điều 41 BLTTDS, đồng thời gửi ngay quyết định chuyển hồ sơ vụ việc dân sự cho Viện kiểm sát cùng cấp biết.

 

3. Tham gia phiên tòa, phiên họp giải quyết vụ việc dân sự theo thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm và phiên họp xem xét lại quyết định của HĐTP TANDTC

3.1. Tham gia phiên tòa, phiên họp sơ thẩm

Khoản 2 Điều 21 BLTTDS quy định:“ Viện kiểm sát tham gia các phiên họp sơ thẩm đối với các việc dân sự; phiên tòa sơ thẩm đối với những vụ án do Tòa án tiến hành thu thập chứng cứ hoặc đối tượng tranh chấp là tài sản công, lợi ích công cộng, quyền sử dụng đất, nhà ở hoặc có đương sự là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 4 của Bộ luật này”.

- Các trường hợp Viện kiểm sát tham gia phiên tòa sơ thẩm:

Theo quy định tại Điều 26, Điều 28, Điều 30 và Điều 32 BLTTDS Tòa án có thẩm quyền giải quyết những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại và lao động. Tuy nhiên, VKSND không tham gia tất cả các phiên tòa sơ thẩm giải quyết tranh chấp dân sự mà chỉ tham gia trong những trường hợp do pháp luật quy định. Điều 21 BLTTDS, Thông tư liên tịch số 02/2016, Quy chế kiểm sát dân sự ban hành kèm theo Quyết định 364/QĐ-VKSNDTC và phải hiểu rõ bản chất các quy định về các trường hợp VKS phải tham gia phiên tòa. Cụ thể:

Trường hợp thứ nhất, Vụ án do Tòa án tiến hành thu thập chứng cứ

Trong trường hợp này, bất cứ vụ án dân sự nào Tòa án tiến hành thu thập chứng cứ thì VKS có trách nhiệm phải tham gia phiên tòa. Việc thu thập chứng cứ để giải quyết vụ án dân sự có nhiều cách thức khác nhau như: Tòa án thu thập theo yêu cầu của đương sự hoặc thu thập theo yêu cầu của VKS hoặc Tòa án tự thu thập khi xét thấy cần thiết. Quá trình thu thập chứng cứ, Tòa án có thể thông qua một hoặc một số biện pháp quy định tại Điều 97 và được quy định cụ thể từ Điều 98 đến Điều 106 BLTTDS 2015.

Trường hợp thứ hai, Vụ án mà đối tượng tranh chấp là tài sản công, lợi ích công cộng, quyền sử dụng đất, nhà ở

- Đối tượng tranh chấp là tài sản công: tài sản công là tài sản thuộc hình thức sở hữu nhà nước tại các cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, được hình thành từ nguồn do ngân sách nhà nước cấp hoặc có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước.

Ví dụ: Vụ án dân sự tranh chấp về tài sản của một cơ quan nhà nước mà tài sản đó được mua sắm từ nguồn vốn do ngân sách nhà nước cấp. Trong trường hợp này, Viện kiểm sát phải tham gia phiên tòa sơ thẩm.

- Đối tượng tranh chấp là lợi ích công cộng: Lợi ích công cộng là những lợi ích vật chất hoặc tinh thần liên quan đến xã hội hoặc cộng đồng dân cư.

Ví dụ: Vụ án dân sự do đương sự khởi kiện yêu cầu doanh nghiệp phải bồi thường thiệt hại do gây ô nhiễm môi trường. Trong trường hợp này, VKS phải tham gia phiên tòa sơ thẩm.

- Đối tượng tranh chấp là quyền sử dụng đất: Theo quy định của pháp luật, đó là các tranh chấp về quyền sử dụng đất (ai là người có quyền).

Ví dụ: A và B tranh chấp với nhau về quyền sử dụng đất đối với một thửa đất có diện tích là 500 m2 hiện do B đang quản lý, sử dụng. A khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết để buộc B phải trả lại thửa đất đó cho A. Trong trường hợp này, đối tượng tranh chấp là quyền sử dụng đất, Viện kiểm sát có trách nhiệm tham gia phiên tòa sơ thẩm.

- Đối tượng tranh chấp là nhà ở: Đây là tranh chấp về sở hữu, đối tượng là quyền sở hữu về nhà ở (ai có quyền sở hữu căn nhà)

- Tranh chấp về hợp đồng có đối tượng của hợp đồng là quyền sử dụng đất hoặc nhà ở

Ví dụ: Tranh chấp về hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc hợp đồng mua bán nhà ở; tranh chấp về hợp đồng thuê quyền sử dụng đất hoặc hợp đồng thuê nhà ở; tranh chấp về hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất hoặc hợp đồng tặng cho nhà ở; tranh chấp về hợp đồng góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất hoặc hợp đồng góp vốn bằng giá trị nhà ở…)

KSV, KTV khi tiến hành công tác kiểm sát lưu ý: Đối với tranh chấp về hợp đồng có liên quan đến quyền sử dụng đất hoặc nhà ở, nhưng quyền sử dụng đất hoặc nhà ở đó không phải là đối tượng của hợp đồng, thì không thuộc trường hợp VKS phải tham gia phiên tòa sơ thẩm.

Ví dụ: A vay ngân hàng B số tiền là 500 triệu đồng, đồng thời thế chấp cho ngân hàng một ngôi nhà và quyền sử dụng đất giá trị 1 tỷ đồng. Đến thời hạn trả nợ, A không thực hiện được nghĩa vụ thanh toán, ngân hàng tiến hành xử lý tài sản thế chấp để thu hồi nợ nhưng không xử lý được vì khu đất này đang trong diện quy hoạch, không được phép chuyển đổi, chuyển nhượng. Ngân hàng đã khởi kiện ra Tòa án yêu cầu Tòa án giải quyết buộc A phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Trong vụ án dân sự này, đối tượng tranh chấp là khoản tiền A vay ngân hàng chứ không phải là quyền sử dụng đất và nhà ở A dùng để thế chấp, do đó, không thuộc trường hợp VKS phải tham gia phiên tòa.

- Tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất hoặc thừa kế nhà ở;

- Tranh chấp đòi lại quyền sử dụng đất hoặc đòi lại nhà ở đang cho mượn, cho sử dụng nhờ;

- Tranh chấp trong các giao dịch dân sự khác có đối tượng giao dịch là quyền sử dụng đất, nhà ở.

Trường hợp thứ ba, Vụ án có đương sự là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi

- Là người chưa thành niên: Theo Điều 21 BLDS năm 2015 quy định, người chưa thành niên là người chưa đủ mười tám tuổi.

- Là người mất năng lực hành vi dân sự: Theo Điều 22 BLDS 2015 quy định, người mất năng lực hành vi dân sự như sau: Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần.

- Là người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự: Hạn chế năng lực hành vi dân sự là người nghiện ma túy, nghiện các chất kích thích khác dẫn đến phá tán tài sản của gia đình thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án có thể ra quyết định tuyên bố người này là người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự. Đối với người này, Tòa án quyết định người đại diện theo pháp luật của người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự và phạm vi đại diện (Điều 24 BLDS 2015).

- Là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi: Theo Điều 23 BLDS 2015, đó là người thành niên do tình trạng thể chất hoặc tinh thần mà không đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi nhưng chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của người này, người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và chỉ định người giám hộ, xác định quyền, nghĩa vụ của người giám hộ.

Trường hợp thứ tư Vụ án dân sự chưa có điều luật để áp dụng

Vụ án chưa có điều luật để áp dụng đó là những vụ án mà người khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết nhưng tranh chấp đó chưa có điều luật điều chỉnh.

Ví dụ: Tranh chấp về việc bốc mộ, chăm sóc mồ mả hay kiện đòi các giấy tờ liên quan đến quyền sở hữu, quyền nhân thân,...những tranh chấp này không thuộc quy định tại Điều 26, 28, 30 và Điều 32 BLTTDS, trước đây Tòa án không giải quyết, nhưng đến nay, cho dù chưa có điều luật điều chỉnh, nhưng Tòa án vẫn phải thụ lý giải quyết. Đối với trường hợp này, VKS bắt buộc phải tham gia phiên tòa.

Trong quá trình giải quyết vụ án dân sự, kể từ khi thụ lý, đến khi xét xử sơ thẩm, nếu phát hiện vụ án dân sự thuộc một trong các trường hợp pháp luật quy định phải có VKS tham gia phiên tòa thì Tòa án phải thông báo bằng văn bản cho VKS biết để VKS tiến hành nghiên cứu hồ sơ và tham gia phiên tòa sơ thẩm.

- Các trường hợp Viện kiểm sát tham gia phiên họp sơ thẩm giải quyết việc dân sự:

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 21 BLTTDS Viện kiểm sát phải tham gia tất cả các phiên họp sơ thẩm giải quyết việc dân sự của Toà án.

Tòa án gửi hồ sơ việc dân sự cùng với quyết định mở phiên họp cho Viện kiểm sát ngay sau khi Toà án ra quyết định mở phiên họp. Trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Viện kiểm sát phải trả lại hồ sơ cho Tòa án để mở phiên họp theo quy định tại Khoản 1 Điều 367 BLTTDS.

 

3.2. Tham gia phiên toà, phiên họp phúc thẩm

Theo quy định tại các Điều 21 Khoản 3, Điều 294 Khoản 2, Điều 314, Điều 338 và Điều 358 BLTTDS thì Viện kiểm sát phải tham gia tất cả các phiên tòa, phiên họp phúc thẩm giám đốc thẩm, tái thẩm.

Điều 21 khoản 3 quy định “Viện kiểm sát nhân dân tham gia phiên tòa, phiên họp phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm”.

Theo quy định tại Điều 292 BLTTDS, sau khi ra quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án cấp phúc thẩm phải chuyển hồ sơ vụ án cho VKS cùng cấp nghiên cứu. Thời hạn nghiên cứu hồ sơ của VKS cùng cấp là mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án; hết thời hạn đó, VKS phải trả hồ sơ vụ án cho Tòa án.

Kiểm sát viên VKS cùng cấp phải tham gia phiên tòa phúc thẩm, trong trường hợp Viện kiểm sát có kháng nghị phúc thẩm nếu vắng mặt thì phải hoãn phiên tòa (Điều 294, Điều 296 BLTTDS)

Theo Điều 314 BLTTDS quy định về thủ tục phúc thẩm đối với quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị thì khi phúc thẩm đối với quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị, Hội đồng phúc thẩm không phải mở phiên tòa, không phải triệu tập các đương sự, trừ trường hợp cần phải nghe ý kiến của họ trước khi ra quyết định. Tuy nhiên, Khoản 2 Điều 280 BLTTDS lại quy định Kiểm sát viên VKS cùng cấp tham gia phiên họp phúc thẩm quyết định của Tòa án sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị. Như vậy, việc tham gia phiên họp phúc thẩm đối với quyết định của Tòa án của VKS là bắt buộc.

 

3.3 Tham gia phiên tòa, phiên họp giám đốc thẩm, tái thẩm:

VKSND tham gia tất cả các phiên tòa, phiên họp giám đốc thẩm, tái thẩm, kể cả trường hợp Viện kiểm sát kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm và trường hợp Tòa án kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm. Quy định Viện kiểm sát phải tham gia tất cả các phiên tòa, phiên họp giám đốc thẩm, tái thẩm xuất phát từ lý do thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm là thủ tục tố tụng đặc biệt, không phải là một cấp xét xử, nhằm xem xét lại những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án, đã được đưa ra thi hành, thậm chí có thể đã thi hành xong. Phiên toà, phiên họp giám đốc thẩm, tái thẩm chỉ tiến hành khi có căn cứ cho rằng có sự vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong quá trình giải quyết vụ việc trước đó (phiên tòa giám đốc thẩm), hoặc có tình tiết mới quan trọng (phiên tòa tái thẩm). Xuất phát từ tính chất quan trọng của thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm, Viện kiểm sát phải tham gia các phiên tòa, phiên họp để bảo đảm việc giải quyết vụ việc dân sự của Tòa án tuân thủ đúng các quy định của pháp luật.

Trong trường hợp Chánh án Tòa án nhân dân tối cao hoặc Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh kháng nghị thì quyết định kháng nghị cùng hồ sơ vụ án phải được gửi ngay cho VKS cùng cấp. VKS  nghiên cứu trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án; hết thời hạn đó, VKS phải chuyển hồ sơ cho Tòa án có thẩm quyền giám đốc thẩm (Khoản 2 Điều 336 BLTTDS).

 

3.4 Tham gia phiên họp xem xét lại quyết định của HĐTP TANDTC:

Theo quy định tại Điều 358 BLTTDS, trường hợp xem xét lại quyết định của HĐTP TANDTC phải có sự tham dự của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kể cả trường hợp Viện trưởng VKSNDTC kiến nghị và không có kiến nghị xem xét lại quyết định của HĐTP TANDTC.

 

4. Phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa:

4.1 Phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa, phiên họp sơ thẩm

Điều 262 BLTTDS quy định; " Sau khi những người tham gia tố tụng phát biểu tranh luận và đối đáp xong, Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa và của người tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án kể từ khi thụ lý cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án và phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án".

Để bảo đảm sự thống nhất với quy định của Hiến pháp năm 2013 và quy định của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân; đồng thời khắc phục những vướng mắc, bất cập của quy định tại Điều 234 của BLTTDS năm 2004, Điều 262 BLTTDS năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung nội dung quy định về phát biểu của kiểm sát viên tại phiên tòa sơ thẩm như sau:

- Sau khi những người tham gia tố tụng phát biểu tranh luận và đối đáp xong, Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký Tòa và của người tham gia tố tụng dân sự trong quá trình giải quyết vụ án kể từ khi thụ lý cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án và phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án theo quy định tại Điều 262 Bộ luật TTDS và hướng dẫn tại Điều 28 của Thông tư liên tịch số; 02/2016/TTLT-VKSNDTC-TANDTC ngày 31/8/2016.

Tại phiên họp sơ thẩm giải quyết việc dân sự, sau khi những người tham gia tố tụng trình bày, giải thích, Kiểm sát viên phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về việc giải quyết việc dân sự theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 369 BLTTDS.

Ý kiến phát biểu của Kiểm sát viên phải thể hiện bằng văn bản, có chữ ký của Kiểm sát viên tham gia phiên tòa phải được gửi cho Tòa án trong thời hạn 05 ngày làm việc, và ngay sau khi kết thúc phiên họp để lưu vào hồ sơ vụ việc dân sự.

Như vậy, tại phiên tòa sơ thẩm, Kiểm sát viên tham gia phiên tòa không chỉ phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, phát biểu ý kiến về việc chấp hành pháp luật (bao gồm cả pháp luật về nội dung và pháp luật về tố tụng) của những người tham gia tố tụng. mà còn phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát về việc giải quyết vụ án.

 

4.2. Phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa, phiên họp phúc thẩm

Theo qui định tại Điều 306 và Khoản 4 Điều 314 BLTTDS năm 2015 và Điều 30 Thông tư liên tịch số 02/2016/TTLT-VKSNDTC-TANDTC ngày 31/8/2016 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao Quy định việc phối hợp giữa Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân trong việc thi hành một số qui định của BLTTDS 2015 (sau đây gọi tắt là Thông tư 02/2016) thì phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa phải đánh giá, nhận xét đầy đủ phần thủ tục cả những việc chấp hành đúng và những hạn chế vi phạm: Việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, những người tiến hành hành tố tụng khác; việc chấp hành pháp luật của những người tham gia tố tụng; phần quan điểm của Viện kiểm sát đối với kháng cáo, kháng nghị, đề xuất hướng giải quyết vụ án theo qui định tại Điều 308 và Khoản 5 Điều 314 BLTTDS năm 2015. Trong đó, Kiểm sát viên phải phân tích rõ ràng, chính xác, cụ thể từng phần như: tư cách của người kháng cáo, thời hạn kháng cáo, nội dung kháng cáo, đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận một phần hay toàn bộ kháng cáo hay không. Đối với vụ án do Viện kiểm sát kháng nghị, bản phát biểu của Kiểm sát viên cần trình bày rõ thêm căn cứ của kháng nghị, phân tích chứng cứ tài liệu bổ sung làm căn cứ kháng nghị, bảo vệ kháng nghị; bác bỏ hay chấp nhận ý kiến của đương sự, người tham gia tố tụng khác về căn cứ, nội dung kháng nghị. Ý kiến phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa, phiên họp phúc thẩm phải thể hiện bằng văn bản có chữ ký của Kiểm sát viên tham gia phiên tòa, phiên họp và phải gửi cho Tòa án ngay sau khi kết thúc phiên tòa, phiên họp để lưu vào hồ sơ vụ án và hồ sơ kiểm sát.

 

4.3. Phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa, phiên họp giám đốc thẩm, tái thẩm

Về trình bày kháng nghị Giám đốc thẩm, Tái thẩm và phát biểu ý kiến của Kiểm sát viên về việc giải quyết vụ án tại phiên tòa Giám đốc thẩm, Tái thẩm do Viện trưởng Viện kiểm sát kháng nghị.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 31 Thông tư liên tịch số 02/2016, mẫu số 39 Quyết định 204, trường hợp do Viện trưởng Viện kiểm sát kháng nghị thì tại phiên tòa, Kiểm sát viên trình bày nội dung, tính có căn cứ và hợp pháp của kháng nghị. Nếu Hội đồng giám đốc thẩm yêu cầu trình bày về căn cứ kháng nghị thì Kiểm sát viên phân tích làm rõ thêm các căn cứ, tình tiết trong hồ sơ mà bản án phúc thẩm chấp nhận hoặc không chấp nhận không có căn cứ, vi phạm pháp luật. Về phát biểu ý kiến giải quyết vụ án thì Kiểm sát viên đề xuất một trong những nội dung quy định tại các Khoản 2,3,4,5 Điều 243 BLTTDS năm 2015.

 * Về phát biểu ý kiến của Kiểm sát viên tại phiên tòa Giám đốc thẩm, Tái thẩm do Chánh án kháng nghị:

- Theo quy định tại Khoản 2 Điều 31 Thông tư liên tịch số 02/2016, mẫu số 40 Quyết định 204, trường hợp Chánh án Tòa án kháng nghị thì tại phiên tòa, Kiểm sát viên trình bày tính có căn cứ và hợp pháp của kháng nghị; căn cứ đơn đề nghị của đương sự, thời hạn kháng nghị, thẩm quyền và nội dung của quyết định kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân đã theo đúng hoặc không đúng một trong các điều Điều 328, Điều 329, Điều 333 và Điều 334 BLTTDS năm 2015; kháng nghị đối với vi phạm pháp luật trong bản án là có (hoặc không có) cơ sở; là cần thiết hoặc không cần thiết.

- Trường hợp kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân không có căn cứ hoặc có nội dung trong kháng nghị không có căn cứ và không nhất trí với kháng nghị hoặc một phần kháng nghị, thì Kiểm sát viên phát biểu quan điểm không nhất trí với toàn bộ kháng nghị hoặc một phần của kháng nghị.

- Ngoài ra, qua nghiên cứu hồ sơ vụ án, bản án, quyết định bị kháng nghị, Kiểm sát viên có thể phát biểu ý kiến đề nghị Hội đồng xét xử giám đốc thẩm xem xét giải quyết những nội dung quy định tại khoản 2 Điều 342 BLTTDS năm 2015:“Hội đồng xét xử giám đốc thẩm có quyền xem xét phần quyết định của bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật không bị kháng nghị hoặc không liên quan đến việc xem xét nội dung kháng nghị, nếu phần quyết định đó xâm phạm đến lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước, lợi ích của người thứ ba không phải là đương sự trong vụ án”.

- Cũng cần lưu ý, trường hợp Kiểm sát viên đề nghị Hội đồng xét xử giám đốc đốc thẩm xem xét giải quyết những vấn đề quy định tại khoản 2 Điều 342 BLTTDS phải viện dẫn quy định pháp luật có liên quan để kết luận phần quyết định của bản án, quyết định đã “xâm phạm đến lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước, lợi ích của người thứ ba…”  

- Về trình bày, phát biểu ý kiến của Kiểm sát viên yêu cầu, đề nghị, kiến nghị tại phiên tòa Giám đốc thẩm, Tái thẩm theo quy định tại Điều 51 Quy chế 364.

- Về ý kiến đề xuất giải quyết vụ án Giám đốc thẩm, Tái thẩm khi xem xét kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân, Kiểm sát viên căn cứ vào điều 343 BLTTDS.

 

5. Kiểm sát các bản án, quyết định giải quyết các vụ việc dân sự của Toà án

5.1. Các quyết định về nội dung bao gồm:

- Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự (Điều 212);

- Quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự (Điều 214);

- Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự (Điều 217);

- Quyết định giải quyết việc dân sự (Điều 370);

- Quyết định giám đốc thẩm (Điều 348);

- Quyết định tái thẩm (Điều 357);

- Quyết định của Hội đồng Thẩm phán TANDTC (Điều 360).

 

5.2. Các quyết định về tố tụng bao gồm:

- Quyết định chuyển vụ việc dân sự cho Tòa án khác (Điều 41 Bộ luật TTDS);

- Quyết định nhập hoặc tách vụ án (khoản 3 Điều 42 Bộ luật TTDS);

- Quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời (khoản 2 Điều 139 Bộ luật TTDS);

- Quyết định giữ nguyên việc trả lại đơn khởi kiện hoặc quyết định yêu cầu TA cấp sơ thẩm nhận lại đơn khởi kiện.... (Điều 194);

- Quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm (Điều 220 Bộ luật TTDS);

- Quyết định hoãn phiên tòa sơ thẩm (Điều 233 Bộ luật TTDS);

- Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm (Điều 290 Bộ luật TTDS);

- Quyết định hoãn phiên tòa phúc thẩm (Điều 296 Bộ luật TTDS);

- Quyết định đưa vụ án ra xét theo thủ tục rút gọn (Điều 318 BLTDS).

 

5.3. Kiểm sát quyết định của Tòa án để thực hiện quyền kiến nghị

- Quyết định chuyển vụ việc dân sự cho Tòa án khác (Điều 41 Bộ luật TTDS);

- Quyết định nhập hoặc tách vụ án (khoản 3 Điều 42 Bộ luật TTDS);

- Quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời (khoản 2 Điều 139 Bộ luật TTDS);

- Quyết định giữ nguyên việc trả lại đơn khởi kiện hoặc quyết định yêu cầu TA cấp sơ thẩm nhận lại đơn khởi kiện.... (Điều 194);

- Quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm (Điều 220 Bộ luật TTDS);

- Quyết định hoãn phiên tòa sơ thẩm (Điều 233 Bộ luật TTDS);

- Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm (Điều 290 Bộ luật TTDS);

- Quyết định hoãn phiên tòa phúc thẩm (Điều 296 Bộ luật TTDS);

- Quyết định đưa vụ án ra xét theo thủ tục rút gọn (Điều 318 BLTDS).

5.4. Kiểm sát bản án, quyết định của Tòa án để thực hiện quyền kháng nghị

- Bản án dân sự sơ thẩm, dân sự phúc thẩm

- Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự (Điều 212);

- Quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự (Điều 214);

- Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự (Điều 217);

- Quyết định giải quyết việc dân sự (Điều 370);

- Quyết định giám đốc thẩm (Điều 348);

- Quyết định tái thẩm (Điều 357);

- Quyết định của Hội đồng Thẩm phán TANDTC (Điều 360).

Khi nhận được các loại quyết định và bản án nói trên, cán bộ, Kiểm sát viên được phân công phải vào sổ thụ lý, lập phiếu kiểm sát và hồ sơ kiểm sát theo mẫu hướng dẫn; kiểm tra tính có căn cứ và hợp pháp của bản án, quyết định. Trường hợp phát hiện vi phạm về thời hạn Tòa án gửi bản án, quyết định cho Viện kiểm sát hoặc bản án, quyết định vi phạm về hình thức, sai sót về nội dung không nghiêm trọng thì tập hợp để báo cáo lãnh đạo Viện kiểm sát kiến nghị với Tòa án.

Trường hợp phát hiện vi phạm pháp luật nghiêm trọng thì báo cáo Viện trưởng kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm (đối với quyết định tạm đình chỉ, quyết định đình chỉ; bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật) hoặc đề nghị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm (đối với quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự; bản án, quyết định sơ thẩm đã có hiệu lực pháp luật hoặc bản án, quyết định phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm).  

Quá trình kiểm sát bản án, quyết định, xét thấy cần thiết để bảo đảm việc kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm hoặc để bảo vệ quan điểm kháng nghị tại phiên tòa, Viện kiểm sát có thể trực tiếp hoặc làm văn bản yêu cầu đương sự, cá nhân, cơ quan, tổ chức cung cấp cho Viện kiểm sát hồ sơ, tài liệu, vật chứng theo quy định tại khoản 4 Điều 85, khoản 2 Điều 94 BLTTDS và hướng dẫn tại Điều 4 của Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT.           

Như vậy, khi thực hiện kiểm sát bản án, quyết định giải quyết vụ việc dân sự của Tòa án, nếu phát hiện có vi phạm trong quá trình giải quyết vụ việc, Viện kiểm sát có quyền yêu cầu, kiến nghị hoặc kháng nghị theo quy định của pháp luật.

 

6. Kiểm sát vụ án dân sự theo thủ tục Sơ thẩm.

6.1. Kiểm sát các hoạt động tố tụng bắt đầu phiên tòa sơ thẩm

- Điều 22 Quy chế công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự quy định: Tại phiên tòa sơ thẩm, Kiểm sát viên kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa và của những người tham gia tố tụng. Như vậy có thể nói, Kiểm sát viên sẽ tham gia và kiểm sát các hoạt động của Thư ký tòa án trước khi hội đồng xét xử vào làm việc.

- Kiểm sát viên phải nắm chắc được những căn cứ quy định tại Điều 53, Điều 54 BLTTDS năm 2015, đó là các căn cứ xác định thành phần Hội đồng xét xử, Thư ký tòa án có thuộc trường hợp phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi. Nếu phát hiện có những căn cứ thấy rằng Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân hoặc Thư ký tòa án thuộc trường hợp phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi thì Kiểm sát viên phải yêu cầu Hội đồng xét xử quyết định việc thay đổi người đó hoặc ra quyết định hoãn phiên tòa trong trường hợp phải thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thư ký Tòa án.

- Trong phần thủ tục bắt đầu phiên tòa, Kiểm sát viên phải kiểm tra tư cách pháp lý của các đương sự và những người tham gia tố tụng khác theo quy định tại các Điều 68, 75, 77, 79, 81 BLTTDS năm 2015,

- Kiểm sát viên có quyền đề nghị hoãn phiên tòa nếu thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 56, khoản 2 Điều 62, khoản 2 Điều 84, các điều 227, 229, 230, 231, 232, 241 và các trường hợp khác theo quy định của Bộ luật TTDS.

 

6.2. Kiểm sát thủ tục tranh tụng tại phiên tòa sơ thẩm

2024 Copyright © Công Ty Luật TNHH MTV Giang Nam 3V . All rights reserved. Design by i-web.vn