Khó hiểu phiên xử nguyên Bí thư Bến Cát: Quy kết tội phạm dựa vào... văn bản nội bộ ngân hàng

Khó hiểu phiên xử nguyên Bí thư Bến Cát: Quy kết tội phạm dựa vào... văn bản nội bộ ngân hàng

 

(PLVN) - Ngày thứ 7 của phiên xử, phần tranh luận diễn ra quyết liệt. Các luật sư đối đáp chi tiết từng vấn đề VKS luận tội. Đối đáp lại, VKS trả lời một phần, còn nhiều phần không trả lời.

Khó hiểu phiên xử nguyên Bí thư Bến Cát: Quy kết 'tội phạm' dựa vào... văn bản nội bộ ngân hàng

 

VKS thừa nhận có vi phạm tố tụng và không đối đáp một số vấn đề.

Trong vụ án này, ông Nguyễn Hồng Khanh (SN 1967, trước khi bị bắt là Bí thư Thị ủy Bến Cát, tỉnh Bình Dương) bị cáo buộc giúp sức cho ông Nguyễn Huy Hùng (SN 1968) và Nguyễn Quang Lộc (SN 1970, cán bộ BIDV Tây Sài Gòn) vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản của Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Luật sư: Đó là quy kết có một không hai

Tranh luận với ý kiến của các luật sư, VKS thừa nhận tài sản đảm bảo vẫn thuộc của mẹ con cụ Hiệp và chỉ bị hạn chế quyền định đoạt, muốn bán thì phải có sự đồng ý của ngân hàng. Theo VKS thì ngoài căn cứ theo Nghị định 163, còn căn cứ vào… các văn bản nội bộ của BIDV để xử lý.

Ở đây, VKS đang buộc tội là xác định về giá bán với tài sản bảo đảm. Bị cáo Hùng và Lộc không thực hiện đúng quy định, không căn cứ giá trên thị trường, không thông qua cơ quan định giá và không qua đấu giá, đại diện VKS nói. 

Đối với vấn đề vì sao lại lấy luật mới (BLHS có hiệu lực từ 2018) để xử lý hành vi cũ, VKS cho rằng Điều 219 BLHS mới được tách ra từ 1 trong 9 hành vi được quy định tại Điều 165 BLHS năm 1999. Tội danh thì mới nhưng hành vi là cũ. Áp dụng Nghị quyết 41 của Quốc hội thì truy tố các bị cáo đúng tội danh, VKS nói.

Lý giải việc vì sao truy tố ông Khanh, VKS cho rằng căn cứ vào hợp đồng 3 bên thỏa thuận về giá cả, phương thức thanh toán, có đại diện ngân hàng ký tên”.

VKS cũng nêu quan điểm kết luận định giá là đúng quy trình, quy định nên không tranh luận. Còn việc giao chậm kết luận định giá không làm ảnh hưởng đến vụ án.

 

 Ông Khanh luôn kêu oan từ khi bị bắt tới nay.

Những quan điểm trên của VKS bị các luật sư phản biện một cách mạch lạc rõ ràng.

LS Trần Minh Hải nói: VKS thừa nhận viết BIDV là ngân hàng nhà nước là sai sót đánh máy, nhưng quá trình đối đáp VKS vẫn cứ cho rằng đó là “tài sản nhà nước. Tôi thấy đó là quan điểm sai lầm. Vì theo Luật Đầu tư công và các luật khác liên quan đến tài sản nhà nước thì không có chuyện vốn ở ngân hàng là tài sản nhà nước, trong khi BIDV đã cổ phần hóa. Mọi quyết định về BIDV do Hội đồng thành viên quyết định, không có chuyện do Chính phủ, Nhà nước quyết định”.

VKS cũng áp dụng không đúng luật vì khoản 1 Điều 58 Nghị định 163 chỉ nói hai bên thỏa thuận việc bán tài sản bảo đảm chứ không hề quy định về giá, phương thức. Nghiêm trọng hơn, VKS nói rằng vi phạm các văn bản của BIDV là tội phạm, thì đó là quy kết có một không hai. Văn bản của BIDV không phải văn bản quy phạm pháp luật. Làm sao có chuyện vi phạm văn bản nội bộ lại bị xử lý hình sự?, LS Hải nói.

Viện kiểm sát tiếp tục “không đối đáp thêm”

Còn LS Nguyễn Văn Quynh (Đoàn LS TP Hà Nội, bào chữa cho ông Khanh), nói: Tôi nêu ra 7 vấn đề nhưng VKS chỉ đối đáp 4, còn 3 chưa. Tôi xin nhắc lại. Cơ sở nào nói ông Hùng, ông Lộc câu kết chặt chẽ với cụ Hiệp, ông Khanh? Có phải là hợp đồng 3 bên? Đây là sự thỏa thuận về giá bán, phương thức thanh toán giữa cụ Hiệp và ông Khanh, không phải thỏa thuận với ngân hàng. Còn việc cụ Hiệp thỏa thuận với ngân hàng thế nào, ông Khanh không tham gia và không cần biết. Tại sao nói câu kết ?.

Thứ hai, giấy ủy quyền năm 2008 bị bà Hảo (con cụ Hiệp – NV) nói là giả. Tại sao VKS không đối đáp vấn đề này. Đây là điểm mấu chốt để xác định thiệt hại trong vụ án. Nếu 9,7ha đất này không được thế chấp ngân hàng thì các hành vi của cụ Hiệp, ông Khanh liên quan đến phần đất này là dân sự, hợp pháp. Chưa giải quyết được điều này thì chưa thể giải quyết được vụ án.

Trong vụ án này, ai mới là người thiệt hại, ngân hàng hay vợ chồng ông Khanh? Ngân hàng đồng ý bán, sai thì ngân hàng chịu, sao bắt người mua chịu. Bỏ ra 14 tỷ đồng mua bán có công chứng, giờ VKS nói mua sai thì sai chỗ nào? Ai chịu trách nhiệm với thiệt hại này?.

Dựa vào hợp đồng 3 bên mà quy kết ông Khanh là đồng phạm thì vô căn cứ. Ngoài ra VKS nói về Điều 219 BLHS mới. Vậy hành vi của ông Hùng, ông Lộc có vi phạm Điều 165 BLHS năm 1999 hay chưa để chuyển hóa thành Điều 219. Nên nhớ ông Hùng, ông Lộc không phải công chức nhà nước mà chỉ là người lao động ở một doanh nghiệp cổ phần”.

Trước những vấn đề này, VKS cho rằng “đã làm rõ ở phần luận tội nên không đối đáp thêm” và đính chính rằng không có ý nói “không cần định giá cũng biết việc mua bán đất giá không đúng thực tế”.  

Phần tranh luận sẽ tiếp tục vào hôm nay, ngày 18/12. 

2024 Copyright © Công Ty Luật TNHH MTV Giang Nam 3V . All rights reserved. Design by i-web.vn